Công nghệ RFID và hệ thống thu phí điện tử không dừng

Áp dụng công nghệ RFID theo tiêu chuẩn ISO/IEC 18000-6C cho hệ thống thu phí điện tử không dừng ETC là xu hướng phát triển chung của giao thông vận tải thế giới. Công nghệ này sẽ góp phần làm giảm phiền toái của việc ùn tắc tại các trạm thu phí giao thông do phải mua vé, soát vé…

 

 

RFID là gì?

RFID (Radio Frequency Identification) là hệ thống nhận dạng qua sóng Radio. RFID hoạt động trên nguyên tắc: Dữ liệu được chứa trong Chip nhớ (Tag/MDS), dữ liệu này được truyền thông với PC/PLC thông qua các module bao gồm, module reader và module ASM (Adapter Module). Trong đó Module reader cho phép trao đổi với chip nhớ thông qua việc thu phát nhờ có antenna tích hợp sẵn trong nó hoặc liên lạc với antenna rời qua cáp; Module ASM là module trung gian có chức năng như một bộ chuyển đổi, cho phép trao đổi thông tin giữa module reader và PC/PLC.

Chip nhớ là một chip thông minh cho phép lưu trữ dữ liệu và trao đổi thông tin với bộ đọc. Các chip nhớ được sản xuất với những hình dáng khác nhau, đặc tính kỹ thuật khác nhau để phù hợp với yêu cầu thực tế của các hệ thống tự động.

Module reader ngoài nhiệm vụ trao đổi thông tin với chip nhớ, module reader còn cung cấp nguồn cho chip nhớ hoạt động dưới dạng sóng radio. Module reader cũng được chế tạo với nhiều chủng loại khác nhau để phù hợp với yêu cầu công nghệ của các hệ thống tự động.

Ứng dụng công nghệ RFID vào trạm thu phí

Công nghệ RFID được đưa vào trạm thu phí để thực hiện những công việc sau: Mỗi Chip nhớ sẽ chứa một mã số mang thông tin về xe và chủ xe đang lưu thông. Khi xe đi qua trạm thu phí thì đầu đọc được bố trí xung quanh trạm sẽ đọc mã số này và truyền về PC/PLC, sau đó mã số này sẽ được PC so sánh với mã số đã có sẵn trong cơ sở dữ liệu của máy tính.

Sau đó toàn bộ thông tin về xe mang Chip nhớ tương ứng sẽ được Visual Basic đọc về máy tính và hiển thị lên giao diện HMI. Chương trình lúc này sẽ tự động đối chiếu các thông tin về xe và kiểm tra tài khoản của chủ xe. Nếu các thông tin là hợp lệ và số tiền trong tài khoản đủ cho chuyến đi thì chương trình Visual Basic sẽ tự động trừ số tiền qua trạm của xe tương ứng và đồng thời sẽ đưa tín hiệu điều khiển xuống PLC để điều khiển mở Barier cho phép xe qua trạm, ngoài ra chương trình cũng gửi số tài khoản còn lại đến PLC để hiển thị cho chủ xe biết đồng thời xuất hóa đơn in các thông tin cần thiết. Ngược lại số tiền trong tài khoản không đủ cho chuyến đi hoặc các thông tin về xe không hợp lệ thì chương trình sẽ thông báo cho chủ xe biết thông qua bảng thông báo và xe đó không được phép qua trạm. Lúc này Barier ở cổng phụ sẽ được mở để xe vào bãi bên cạnh.

Như vậy xe qua trạm sẽ bỏ qua được giai đoạn mua và soát vé đồng thời, thời gian trao đổi dữ liệu giữa Chip nhớ và PC được diễn ra trong thời gian rất ngắn do đó sẽ giảm thời gian lưu thông của xe khi qua trạm.

Vừa qua, tại Hà Nội, Vụ KHCN Bộ GTVT vừa tổ chức buổi tọa đàm kỹ thuật nhằm giới thiệu về công nghệ và làm rõ xu thế phát triển hiện nay của công nghệ RFID theo tiêu chuẩn ISO/IEC 18000-6C áp dụng cho hệ thống thu phí điện tử không dừng ETC. Hãng Sirit là một nhánh của Công ty Federal Signal Technologies một hãng chuyên cung cấp các giải pháp về giao thông thông minh được thành lập cách đây 109 năm. Hãng Sirit mới được thánh lập năm 1997 chuyên về công nghệ RFID, các đầu đọc và transponder.

Cũng theo đại diện của Sirit, ISO 18000-6C là một tiêu chuẩn mới về RFID được thông qua năm 2006. Đây là một tiêu chuẩn được sử dụng rộng rãi, có khả năng chống nhiễu tốt, sử dụng tốt trong môi trường có nhiều đầu đọc (readers). Tiêu chuẩn này hoạt động với giao thức máy đọc phát tín hiệu trước (Reader Talks First Protocol) trên cơ sở sóng UHF tiêu chuẩn có dải tần từ 860MHz đến 960 MHz. Buổi tọa đàm là một cơ hội để thêm một lần nữa những người làm giao thông hiểu rõ về công nghệ thu phí không dừng RFID, một công nghệ được áp dụng tại nhiều nơi trên thế giới.

Lâm Anh  - Báo giao thông vận tải