Đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị


 
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Nguồn: Đời sống & Pháp luật.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Nguồn: Đời sống & Pháp luật.

Theo quy hoạch, cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều có 8 tuyến đường sắt nội đô. Trên địa bàn Hà Nội có 4 dự án đang được triển khai là Dự án ĐSĐT thí điểm đoạn Nhổn - Ga Hà Nội; Dự án ĐSĐT số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; Dự án xây dựng tuyến đường sắt số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi giai đoạn 1 và đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 2 dự án đang thực hiện là ĐSĐT số 1 tuyến Bến Thành - Suối Tiên và ĐSĐT số 2 tuyến Bến Thành - Tham Lương. Tuy nhiên, các dự án này đều chậm tiến độ vài năm.

Đại diện Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, hầu hết các dự án ĐSĐT đều phải điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư tăng so với ban đầu. Nguyên nhân chủ yếu do cơ chế chính sách, những biến động về tiền lương, về giá vật liệu, về tỷ giá ngoại hối… Bên cạnh đó, các dự án ĐSĐT có tính chất kỹ thuật phức tạp, nội dung trong hồ sơ lập dự án chưa phù hợp hoặc thiếu cả về giải pháp kỹ thuật, về khối lượng. 

Đặc biệt, các dự án được thực hiện ở trung tâm Hà Nội và TP Hồ Chí Minh gặp nhiều vướng mắc, khó khăn, làm tăng chi phí giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư của dự án. 

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đánh giá, đây là những dự án lớn nhưng chưa có thông lệ ở Việt Nam, chưa có nguồn nhân lực đủ để nghiên cứu một cách thấu đáo cũng như triển khai dự án; quá trình chuẩn bị đầu tư còn sơ sài, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, các địa phương chưa tốt. Bộ GTVT đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung ngay vào các giải pháp khắc phục tồn tại, bất cập và sớm đưa ra lộ trình, kế hoạch cụ thể đối với các dự án. Tới đây, Bộ GTVT sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Ban Chỉ đạo để thực hiện hiệu quả các dự án ĐSĐT; rà soát kỹ các văn bản quy phạm pháp luật. Nếu cần thiết sẽ xây dựng Nghị định về ĐSĐT; khẩn trương ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức ĐSĐT…