Trong 2 ngày từ 13-14/10/2016 đoàn trường Đại học TU Dresden do giáo sư Trinkauf, trưởng Bộ môn Tín hiệu và an toàn đường sắt đã sang và làm việc với Trường Đại học Giao thông vận tải về chuyển giao và hoàn thiện Chương trình đào tạo Thạc sỹ "Kỹ thuật hệ thống đường sắt" và thông qua kế hoạch tuyển sinh, giảng dạy.
Việc mở ngành đào tạo bậc cao học Kỹ thuật Hệ thống đường sắt sẽ đạt được hai mục tiêu sau:
(1) Cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, tinh thông về lĩnh vực Đường sắt.
(2) Tạo môi trường phát triển cho đội ngũ cán bộ giảng viên của các bộ môn Đường sắt, Tín hiệu Giao thông, Vận tải và Kinh tế sắt, Đầu máy toa xe, giúp cho các giảng viên của các bộ môn có điều kiện tổ chức các nhóm nghiên cứu có sự tham gia của các học viên cao học lĩnh vực Đường sắt.
Kết quả khảo sát nhu cầu nhân lực trình độ thạc sĩ ngành Kỹ thuật Hệ thống đường sắt như sau:
- Lĩnh vực Kỹ thuật Hệ thống đường sắt là một lĩnh vực rộng, hàng năm thu hút hàng trăm kỹ sư không chỉ từ chuyên ngành Đường sắt, Cầu đường sắt, Đường sắt đô thị, Hệ thống điều khiển giao thông, Kỹ thuật tín hiệu đường sắt, Thông tin tín hiệu, Vận tải đường sắt, Khai thác và quản lý đường sắt đô thị, Vận tải kinh tế đường sắt, Đầu máy, Đầu máy – Toa xe, Tầu điện – Metro, mà còn thu hút hàng trăm kỹ sư thuộc các ngành đào tạo của Trường Đại học Giao thông vận tải. Do vậy nhu cầu đào tạo trình độ thạc sĩ là rất lớn.
- Ngoài ra trong các công ty như Tổng Công ty Đường sắt và các Sở Giao thông, Công ty tư vấn thiết kế có hàng trăm kỹ sư có nhu cầu học tập nâng cao nghiệp vụ chuyên môn.
Hiện tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang ráo riết xây dựng các tuyến Đường sắt đô thị, đang xây dựng tuyến đường sắt cao tốc từ Hà Nội – Vinh và Nha Trang – Sài Gòn; Do đó hiện tại rất thiếu các chuyên gia có hiểu biết rộng về lĩnh vực đường sắt;
Nhu cầu nguồn nhân lực trình độ cao ngành Kỹ thuật Hệ thống đường sắt là rất lớn, trong khi đó cả nước chưa có cơ sở đào tạo trình độ thạc sĩ. Do đó việc xây dựng đề án đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Kỹ thuật Hệ thống đường sắt, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cả nước là việc làm cần thiết và thiết thực.
Lý do đào tạo cao học ngành Kỹ thuật Hệ thống đường sắt
Nguồn nhân lực chất lượng cao về ngành Kỹ thuật Hệ thống đường sắt hiện đang thiếu trầm trọng, đặc biệt là trong giai đoạn Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhu cầu học tập của các kỹ sư Đường sắt, Cầu đường sắt, Đường sắt đô thị, Hệ thống điều khiển giao thông, Kỹ thuật tín hiệu đường sắt, Thông tin tín hiệu, Vận tải đường sắt, Khai thác và quản lý đường sắt đô thị, Vận tải kinh tế đường sắt, Đầu máy, Đầu máy – Toa xe, Tầu điện – Metro đã tốt nghiệp tại trường và các trường kỹ thuật khác là rất lớn. Bên cạnh việc mở rộng cả về số lượng và chất lượng đào tạo đại học thì chúng ta cần có những chuyên gia am hiểu, tinh thông về ngành Kỹ thuật Hệ thống đường sắt ở bậc cao học.
Các Bộ môn đào tạo lĩnh vực đường sắt hiện có 02 giáo sư, 08 phó giáo sư, 16 tiến sĩ. Nhiều người trong số này được đào tạo cơ bản từ nước ngoài mới trở về, đang có nhiều thành tích về nghiên cứu và giảng dạy. Với đội ngũ giảng viên và cộng tác viên, các Bộ môn, có đầy đủ khả năng đảm nhận đào tạo sau đại học ngành Kỹ thuật Hệ thống đường sắt.
Việc mở ngành đào tạo bậc cao học Kỹ thuật Hệ thống đường sắt sẽ đạt được hai mục tiêu sau:
(1) Cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, tinh thông về lĩnh vực Đường sắt.
(2) Tạo môi trường phát triển cho đội ngũ cán bộ giảng viên của các bộ môn Đường sắt, Tín hiệu Giao thông, Vận tải và Kinh tế sắt, Đầu máy toa xe, giúp cho các giảng viên của các bộ môn có điều kiện tổ chức các nhóm nghiên cứu có sự tham gia của các học viên cao học lĩnh vực Đường sắt.
Thời gian đào tạo
Học trong 02 năm gồm 04 học kỳ, trong đó 03 học kỳ học các môn cơ sở và chuyên ngành, 01 học kỳ làm luận văn tốt nghiệp và bảo vệ.
Đối tượng tuyển sinh
Các kỹ sư Đường sắt, Cầu đường sắt, Đường sắt đô thị, Hệ thống điều khiển giao thông, Kỹ thuật tín hiệu đường sắt, Thông tin tín hiệu, Vận tải đường sắt, Khai thác và quản lý đường sắt đô thị, Vận tải và kinh tế đường sắt, Kinh tế vận tải sắt, Đầu máy, Đầu máy – Toa xe, Tầu điện – Metro.
Số lượng học viên có thể tiếp nhận hàng năm: Số lượng học viên cao học có thể đào tạo khoảng 5-50 học viên /năm.