Cục Đường sắt Việt Nam đã đưa ra kế hoạch xây dựng đường sắt cao tốc xuyên Việt: Năm 2010 sẽ hoàn thành báo cáo khả thi; từ năm 2011- 2020 sẽ xây dựng khu đoạn Hà Nội - Vinh và TP Hồ Chí Minh - Nha Trang; năm 2030 sẽ đưa vào khai thác tuyến Vinh - Nha Trang; năm 2035 sẽ hoàn thành toàn tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh.
Theo phương án của nhà Tư vấn Hàn Quốc, nếu xây dựng đường sắt cao tốc, đường đôi, điện khí hóa, khổ 1435mm, với tốc độ 200 km/h thì từ tàu khách Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh (TP HCM) mất 8 giờ 19 phút. Với vận tốc đạt 300 km/giờ, tàu sẽ chạy trong 5 giờ 38 phút để đi từ Hà Nội đến TP HCM đối với tàu nhanh, chỉ đỗ các ga Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang và 6 giờ 51 phút với tàu thường, đỗ ở tất cả các ga.
Đại diện chủ đầu tư cho biết dự án sẽ thu hồi 4.173 ha đất, 16.529 hộ gia đình có thể sẽ bị ảnh hưởng. Trong đó, thu hồi đất ở 9.480 hộ gia đình và thu hồi đất sản xuất 7.049 hộ.
Trong cuộc bỏ phiếu ngày 19 tháng 6 năm 2010, Quốc hội Việt Nam đã bỏ phiếu bác bỏ dự án đường sắt cao tốc.
Đây là tuyến sẽ được xây dựng là đường sắt đôi, bảo đảm cho tàu có thể chạy với tốc độ 200 km/h, nhưng cơ sở hạ tầng có thể đáp ứng tốc độ 350 km/h. Khi hoàn thành, hành trình Hà Nội - Vinh sẽ được rút xuống chỉ còn 2 giờ (nếu chạy tốc độ 200 km/h) và 1 giờ 34 phút (tốc độ 350 km/h).
So với tuyến đường sắt cũ, tuyến này chạy thẳng từ Ngọc Hồi - Phủ Lý - Ninh Bình - Thanh Hóa - Vinh - Hà Tĩnh, không đi qua Nam Định. Chiều dài toàn tuyến là hơn 315 km gồm 6 ga chính trên.
Trong đó đoạn qua Hà Nội sẽ sử dụng đường sắt hiện tại ở phía Tây nhằm giảm thiểu được xung đột. Đoạn qua Hà Tây sẽ cách xa đường sắt hiện tại và giảm thiểu giao cắt với quốc lộ 1, khu vực đông dân cư và nhà máy. Đoạn qua Hà Nam sẽ quy hoạch hướng tuyến gần với đường bộ cao tốc và xây dựng ga mới ở phía đông ga Phủ Lý hiện tại. Đoạn qua Nam Định sẽ xây dựng ga bên ngoài phía Tây ga Nam Định.
Đoạn qua Ninh Bình sẽ chạy song song với đường bộ cao tốc về phía Đông khu quy hoạch đô thị của Ninh Bình và chạy vòng điểm du lịch hồ Đồng Thái. Đoạn qua Thanh Hóa sẽ chạy về phía Tây khu đô thị Thanh Hóa để tránh ảnh hưởng đến khu vực động dân cư và địa danh lịch sử. Đoạn qua Nghệ An sẽ chạy về phía Tây của khu quy hoạch đô thị TP Vinh. Đoạn Hà Tĩnh cũng quy hoạch hướng tuyến về phía Tây của đường vành đai đô thị Hà Tĩnh.
Tuyến đường sắt cao tốc Nha Trang - TP Hồ Chí Minh khởi đầu tại TP Hồ Chí Minh, đi qua các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hoà. Trên toàn tuyến có 6 nhà ga và 2 ga mới đều ở tại Khánh Hoà và TP Hồ Chí Minh. Tiêu chuẩn thiết kế áp dụng đối với đường cấp 1 và đường cao tốc, có thể chạy tàu với vận tốc 350 km/h.
Đây là dự án hỗ trợ kỹ thuật được thực hiện từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc. Đoạn đường sắt này nằm trong tổng thể của tuyến đường sắt cao tốc từ Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tổng vốn đầu tư
Phương án của Chính phủ Việt Nam: Tổng vốn đầu tư toàn Dự án là 55,853 tỷ USD, trong đó phần vốn đầu tư cho Thiết bị là 9,587 tỷ USD.
Theo tính toán của các nhà kinh tế của Việt Nam không tham gia dự án: Tổng vốn đầu tư toàn Dự án là 110,157 tỷ USD.
Thời gian hoàn vốn
Phương án của Chính phủ Việt Nam:
Theo tính toán của các nhà kinh tế của Việt Nam không tham gia dự án: (Thời gian thu hồi Vốn Đầu tư của Dự án)
Với Lợi nhuận hàng năm của toàn Dự án là 0,958 tỷ USD/năm, Thời gian thu hồi Vốn Đầu tư của Dự án sẽ là: 110,157 tỷ USD/(0,958 tỷ USD/năm) = 114,8 năm
Với Lợi nhuận hàng năm của toàn Dự án là 0,797 tỷ USD/năm, Thời gian thu hồi Vốn Đầu tư của Dự án sẽ là: 110,157 tỷ USD/(0,797 tỷ USD/năm) = 138 năm