Xe bus nhanh (BRT) trên thế giới và ở Việt Nam

Xe buýt nhanh (BRT) được định nghĩa là một hệ thống vận chuyển công cộng mang lại hiệu quả về chi phí có khả năng chuyên chở hành khách an toàn và năng lực vận chuyển lớn. Hệ thống này là hệ thống vận tải công cộng rất tốt đặc biệt là cho các nước đang phát triển hiện đang thiếu vốn đầu tư vào các hệ thống đường sắt đô thị – một hệ thống được sử dụng rộng rãi ở các nước phát triển. Mục đích của hệ thống BRT là tạo ra độ an toàn, tính tiện nghi cao, phương tiện vận chuyển đạt được tốc độ cao như dịch vụ vận tải đường sắt nhưng vẫn duy trì được những đặc điểm nổi bật của xe buýt thông thường bao gồm mức giá thấp và khả năng hoạt động linh hoạt. Một hệ thống BRT cơ bản gồm có các trạm điều khiển, phương tiện vận chuyển, các loại hình dịch vụ, loại đường lưu thông, cấu trúc lộ trình, quá trình kiểm soát vé.

Xe buýt nhanh BRT lần đầu xuất hiện tại thành phố Curitiba, Brazil vào năm 1974. Và cho đến nay, BRT đã được xây dựng và triển khai thành công tại hơn 130 thành phố của hơn 30 quốc gia trên toàn thế giới như : Jakarta (Indonesia), Quảng Châu, Bắc Kinh, Côn Minh, … (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Bangkok (Thái Lan), Colombia, Brazil, Mỹ, Mexico, Hà Lan, Paris (Pháp), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ),

Ở các thành phố triển khai BRT trên thế giới, bến xe buýt BRT còn được kết nối với các bãi thuê xe đạp công cộng. Theo đó, sau khi rời bến xe buýt, người dânthành phố lại có thể thuê tiếp xe đạp và đi tới điểm cần đến ở gần bến xe buýt, và chiều về lại trả xe đạp và lên xe buýt về nhà.

Hệ thống BRT tại Bangkok, Thái Lan đã giúp thành phố giảm được 15% lượng khí thải CO2/ năm. Tại Bogota, Colombia, con số này là 14% . Tại Quảng Châu, hệ thống BRT kết nối các bãi xe đạp chia sẻ không chỉ giải quyết ùn tắc giao thông, mà còn mang lại cho thành phố giải thưởng " Thành phố phát triển bền vững" nhờ việc giảm thải khí CO2 vào môi trường.

Các cuộc khảo sát hệ thống BRT ở một số thành phố lớn trên thế giới cho thấy, dung lượng vận chuyển của xe buýt nhanh BRT (Bus Rapid Transit) tương đương đường sắt nhẹ (LRT) và tàu điện ngầm (Metro). Trong khi số tiền đầu tư thấp hơn và thời gian thi công tuyến BRT ngắn hơn so với xây dựng tàu điện ngầm . Như vậy, xét về hiệu quả kỹ thuật và kinh tế, đầu tư các tuyến BRT là hợp lý và phù hợp cho những thành phố đông dân.

Ở Việt Nam, Hà Nội là thành phố đi đầu trong việc vận dụng BRT để giải quyết bài toán giao thông công cộng. Tháng 2/2013, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hà Nội đã khởi công dự án xây dựng tuyến BRT đầu tiên. Cho đến nay, các hạng mục xây lắp chính của dự án đã cơ bản được hoàn thành. Cùng với đường sắt trên cao, đây sẽ là sự bổ sung hoàn hảo cho hệ thống giao thông công cộng ở thủ đô.

Tuyến BRT đầu tiên đã được thí điểm xây dựng trên trục Kim Mã - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Yên Nghĩa (Hà Đông) với chiều dài 14,7 km. Tuyến BRT này đi trên một làn đường riêng, có chiều rộng 3,5m, tách biệt với làn đường dành cho phương tiện hỗn hợp bằng một dải phân cách.

Trên các BRT đều có gắn thiết bị định vị để kết nối thông tin với Trung tâm Điều hành Giao thông ở bến xe Kim Mã nhằm cập nhật, giải quyết các sự cố có thể phát sinh trên hành trình. Đèn tín hiệu tại các nút giao thông mà BRT đi qua sẽ được tích hợp với hệ thống trên xe và Trung tâm Điều hành Giao thông để ưu tiên xe buýt này đi qua.

Theo dự kiến, tuyến BRT đầu tiên của Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng sẽ bắt đầu chạy thử từ tháng 6/2016, với tần suất 3-5 phút/chuyến, lưu lượng chuyên chở 90 hành khách/chuyến và tốc độ di chuyển 20-22 km/giờ. Hành khách sử dụng dịch vụ BRT sẽ có vé từ, được tự động soát vé khi vào nhà chờ và lên xe … Đây cũng là lần đầu tiên Hà Nội xuất hiện một mô hình đợi xe buýt hiện đại, sang trọng, có sự đầu tư lớn. Nhà chờ được thiết kế với bề rộng 5m và tổng diện tích 129m2. Khung mái nhà được xây dựng bằng kết cấu thép, ốp vách kính cường lực.

Cốt nền nhà chờ được tôn cao để tạo độ bằng phẳng với sàn xe buýt giúp người đi xe buýt tiếp cận dễ dàng hơn. Tại đây có thiết kế đầy đủ công năng của một nhà chờ xe buýt nhanh theo chuẩn quốc tế đồng thời phù hợp với đặc thù giao thông trên các tuyến phố Hà Nội. Sau khi đưa vào khai thác, BRT sẽ trở thành một trong những loại hình giao thông công cộng quan trong của Thủ đô nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, qua đó hạn chế phương tiện cá nhân.

 

Ảnh: