UBND Thành phố Hà Nội mới nghe Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội báo cáo về tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt số 2 (đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình) và số 3 (đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai).
Theo ông Nguyễn Quang Mạnh, Giám đốc Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, dự án xây dựng tuyến đường sắt số 2 (Trần Hưng Đạo - Thượng Đình) và số 3 (ga Hà Nội - Hoàng Mai) nằm trong quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050.
Trong đó, tuyến đường sắt đô thị số 2 từ Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo - Thượng Đình được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đang trong quá trình thực hiện đầu tư. Còn giai đoạn 2 từ Trần Hưng Đạo - Thượng Đình đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Chiều dài đoạn tuyến từ Trần Hưng Đạo - Thượng Đình khoảng 6km đi ngầm toàn bộ. Điểm cuối Thượng Đình tại nút giao thông Nguyễn Trãi - vành đai 2. Lộ trình tuyến sẽ qua các tuyến phố: Phố Huế - Đại Cồ Việt - Xã Đàn, Hoàng Tích Trí - Chùa Bộc - Tây Sơn - Nguyễn Trãi - Thượng Đình. Trên toàn tuyến có 6 nhà ga ngầm. Tổng mức đầu tư dự kiến trên 1,6 tỷ USD từ nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Còn đoạn tuyến đường sắt đô thị số 3 từ ga Hà Nội - Hoàng Mai có vai trò đặc biệt trong việc hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị giai đoạn đầu tại khu trung tâm. Đoạn tuyến này sẽ nối dài tuyến Nhổn - ga Hà Nội ở ga Trung tâm (có kết nối tuyến số 1 và tuyến đường sắt quốc gia, đồng thời sẽ kết nối với tuyến số 2 tại ga Hàng Bài tạo nên sự gắn kết của mạng lưới đường sắt đô thị trong giai đoạn đầu, cơ bản cung cấp dịch vụ khu vực đô thị trung tâm).
Tổng chiều dài tuyến khoảng 8km, có 7ga. Vì là đoạn tuyến kéo dài của tuyến đường sắt đô thị số 3 nên tiêu chuẩn kỹ thuật về xây dựng, công nghệ thiết bị, quy mô đoàn tàu sẽ đồng bộ với dự án tuyến ĐSĐT thí điểm Nhổn - ga Hà Nội. Khổ đường sắt 1.435mm, đường đôi; có 13 đoàn tàu 4 toa…
Theo đề cương dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2009, tổng mức đầu tư đoạn tuyến đường sắt đô thị số 3 từ ga Hà Nội - Hoàng Mai khoảng 990 triệu USD. Còn theo quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Xây dựng thẩm định, 8 km trong đoạn tuyến sẽ được ngầm hóa với tổng mức đầu tư khoảng 1.790 triệu USD.