Hệ thống quản lý giao thông thông minh theo mô hình của Mitsubishi Heavy Industries Ảnh: Mitsubishi Heavy Industries |
Ngày 19-6-2014, Đại học Việt Đức đã phối hợp cùng Hiệp hội ITS Nhật Bản tổ chức hội thảo về phát triển “hệ thống giao thông thông minh Việt Nhật” tại TPHCM. Tại đây, các chuyên gia đã bàn luận về các giải pháp quản lý giao thông, các ứng dụng công nghệ phù hợp cho điều kiện giao thông tại Việt Nam.
Hệ thống giao thông thông minh (ITS-lntelligent Transport System) tại Việt Nam mới ở giai đoạn chập chững với khá nhiều trở ngại về kỹ thuật. Một số chuyên gia trong ngành ứng dụng công nghệ thông tin cho ngành giao thông nói rằng, Việt Nam cần đi từng bước nhỏ, ứng dụng từng phần trước khi triển khai giải pháp ITS tổng thể.
Nói về ITS, ông Lê Minh Triết, Phó trưởng Phòng Quản lý và Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM cho biết, hiện tại TPHCM cũng đã ứng dụng hệ thống giao thông thông minh như sử dụng bảng thông tin giao thông điện tử để cung cấp thông tin giao thông ở một số tuyến đường (tình trạng giao thông trên đường, cảnh báo các điểm ùn tắc giao thông…). Trước đó, thành phố đã trang bị 17 bảng thông tin giao thông điện tử tại TPHCM và trong năm nay sẽ có thêm 10 bảng thông tin kiểu này.
Ngoài ra, còn có các hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông, camera quan sát… được kết nối với trung tâm điều khiển tín hiệu giao thông do công an TPHCM quản lý.
Theo Sở GTVT TPHCM, các bảng thông tin giao thông điện tử (hoặc bảng quang báo điện tử) cập nhật thông tin về tình hình giao thông từ kênh phát thanh VOV Giao thông thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam và sử dụng giải pháp của công ty TNHH Giải pháp Công nghệ FPT (FTS).
Ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông thuộc Đại học Việt Đức (TPHCM), nhận xét: "Để áp dụng hệ thống ITS chúng ta phải nghiên cứu đặc điểm giao thông Việt Nam để thiết kế, điều chỉnh hệ thống cho hợp với thực trạng giao thông ở nước ta. Ví dụ như xe máy ở Việt Nam thường chạy sát vào nhau nên việc nhận diện từng xe để đo đếm hoặc điều tiết lưu thông trên đường sẽ khó hơn ở các quốc gia có hệ thống giao thông tiên tiến."
Theo ông Tuấn, đôi khi để ứng dụng hiệu quả, chúng ta phải dùng đến công nghệ “kiểu Việt Nam” mới có thể áp dụng mô hình hệ thống giao thông thông minh cho phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam.
Còn đại diện của Tập đoàn Toshiba khi nói về giải pháp giao thông tích hợp cho Việt Nam đã nhấn mạnh: cần phải có sự liên kết giữa giao thông ngoại thành và nội thành trong việc điều hành, quản lý hệ thống giao thông. Khu vực nội thành cần phải giảm lưu lượng giao thông; cần chuyển các phương tiện giao thông cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng.
Theo ông Takuro Kishida, đại diện tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries, Việt Nam có thể áp dụng các mô hình ITS đã triển khai thành công ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Như hệ thống thu phí tự động tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản) được áp dụng ở các đường cao tốc giúp các phương tiện vượt qua trạm thu phí nhanh và thu phí chính xác. Các trạm thu phí này sẽ kiểm soát bằng cách nhận diện thẻ thông minh của chủ phương tiện và thu phí qua tài khoản ngân hàng tích hợp trên thẻ.
Sở GTVT TPHCM cho biết sẽ phát triển hệ thống ITS với 6 nhóm giải pháp bao gồm: Quản lý và khai thác hạ tầng giao thông; Quản lý hệ thống giao thông công cộng; Quản lý công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm giao thông; Hệ thống cung cấp thông tin giao thông; Quản lý phương tiện giao thông và Dịch vụ thanh toán điện tử. Cách đây khoảng hai năm, TPHCM đã giới thiệu dự án Trung tâm điều khiển giao thông với số vốn 187 triệu đô la Mỹ (hơn 3.800 tỉ đồng) để quản lý, điều khiển các chốt đèn tín hiệu giao thông, camera quan sát và bảng thông tin giao thông điện tử. Dự án này sẽ lắp đặt các thiết bị hỗ trợ giao thông (camera quan sát, cảm biến đo đếm phương tiện giao thông…) trên 1.500 giao lộ và toàn bộ dữ liệu sẽ được truyền về trung tâm điều hành giao thông để xử lý. |